Tết Trung thu – Nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam

Trung thu là tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam bởi nó mang cho mình nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy thú vị. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết rõ về sự tích cũng như phong tục của ngày lễ này. Hãy cùng Maxhome quay ngược thời gian, trở về ngày xa xưa để tìm hiểu và lý giải phong tục tết trung thu đầy ý nghĩa này nhé.

Trung thu là Tết đoàn viên

I. Nguồn gốc tết Trung thu

Tích xưa kể lại, Tết Trung thu bắt nguồn từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm giữa tháng Tám, gió mát, trăng tròn, cảnh vật nên thơ. Trong lúc đang ngự chơi ngoài thành, nhà vua đã gặp một vị tiên giáng thế. Vị tiên ấy đã hóa phép tạo ra một chiếc cầu vồng rực rỡ sắc màu và mời nhà vua bước lên đó để dạo chơi nơi cung Quảng. Khi trở về trần thế, trong lòng lúc nào cũng trào dâng những xúc cảm luyến lưu về cảnh vật cung trăng đầy mộng mơ và huyền ảo, nhà vua đã lấy ngày đó đặt làm ngày Tết Trung thu.

Hình ảnh chị Hằng đêm trăng

Hay câu chuyện lịch sử Trung Quốc thời nhà Đường, nguồn gốc của tết Trung thu gắn liền với nàng Dương Quý Phi. Nàng là một trong tứ đại mỹ nhân làm nên giai thoại đất nước Trung Hoa bấy giờ. Cũng chính vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà bị triều thần cho rằng nàng đã mê hoặc làm vua Đường Huyền Tông chìm đắm trong tửu sắc, bỏ bê triều chính. Đường Huyền Tông dù trong lòng tiếc thương vô hạn nhưng vẫn buộc phải ban phát cho sủng phi của mình dải lụa trắng để củng cố lại niềm tin với triều đình. Tấm lòng đó đã làm lay động đến các tiên nữ, vì vậy mà vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu, vị vua này đã được đưa lên trời gặp lại nàng Dương Quý Phi. Sau khi về trần gian ông đặt ra ngày tết Trung thu để tưởng nhớ đến vị sủng phi của mình.

Ở Việt Nam, tết Trung thu không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám. Nhiều người cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ. Tuy nhiên, có tài liệu ghi chép lại rằng, tết Trung thu được ra đời dưới thời nhà Lý tại kinh thành Thăng Long. Là dịp mà vua Lý muốn tạ ơn thần Rồng đã ban mưa xuống giúp cho mùa màng bội thu, cho con dân no ấm.

Nhiều người nghĩ rằng tết Trung thu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng thực tế thì người Việt Nam và Trung Quốc đều có những nguồn gốc về tết Trung thu khác nhau. Nếu như trung thu của người dân Trung Quốc nhắc đến chuyện tình của Hằng Nga và Hậu Nghệ thì ở Việt Nam lại thêu dệt nên câu chuyện về cây đa, chú Cuội, chị Hằng.

II. Ý nghĩa của Tết Trung thu

Trải qua hàng ngàn năm, con người với vầng trăng luôn có một mối liên hệ gần gũi. Thời xưa, người ta có thể nhìn trăng mà tiên đoán được mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, hay nếu trăng thu màu cam thì đất nước sẽ yên bình, thịnh trị.

Trung thu – ngày giữa mùa thu tháng Tám là ngày trăng tròn và sáng nhất được lấy làm ngày của sự sum họp. Vì vậy mà tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.

Vào ngày vui này tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, mọi người tụ họp chuyện trò rôm rả, uống nước chè xanh, ăn bánh, thưởng trăng. Trẻ em thì vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ,… Tất cả cùng nhau ước nguyện cho cuộc đời luôn được bình an và may mắn.

Tết Trung thu còn mang ý nghĩa thể hiện sự tôn trọng của con người đối với thiên nhiên. Đồng thời thể hiện tình cảm và sự gắn kết của các thành viên trong gia đình với nhau.

III. Lý giải các phong tục có trong tết Trung thu

1. Tục rước đèn lồng

Tết trung thu không thể thiếu đi hình ảnh những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc rực rỡ với vô số hình dáng ngộ nghĩnh, đáng yêu như ông sao năm cánh, bông hoa, con thỏ, cá chép,…được các bạn nhỏ cầm rước dưới ánh trăng.

Đèn lồng được làm thủ công từ tre và giấy gió, bên ngoài đèn là những nét vẽ, đường thêu vô cùng đặc sắc tô điểm cho chiếc đèn thêm rực rỡ. Đèn lồng của người Việt Nam tượng trưng của ấm no và hạnh phúc gia đình.

Một số đèn lồng làm thành dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi lời ước nguyện vào thì thả trôi theo dòng sông cùng lời nguyện cầu may mắn.

2. Tục ngắm trăng

Vào dịp tết Trung thu hầu hết người dân sẽ đổ ra đường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trăng rằm. Khoảnh khắc trăng lên vô cùng thiêng liêng với nhiều người, ánh trăng là biểu hiện sự sum vầy của các thành viên trong gia đình với nhau.

Việt Nam – một đất nước có nền văn hoá lúa nước, trăng còn có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Ngày rằm tháng 8 là thời khắc cảnh đất trời đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh, thưởng nguyệt và hòa mình cùng với thiên nhiên trời đất.

Sau khi quây quần cùng nhau phá cỗ thì các gia đình sẽ sum vầy trên ban công hay có nhà thì tìm chỗ trên cao để cùng nhau ngắm ánh trăng rằm. Dưới ánh trăng sáng, các bố các mẹ cũng thường kể cho các con nghe về sự tích “chú Cuội ngồi gốc cây đa”.

3. Tục phá cỗ Trung thu

Mâm cỗ trung thu thường được bày rất nhiều các loại bánh kẹo, hoa quả như bánh nướng, bánh dẻo, mía, thị, bưởi,… Khi ánh trăng lên cao tới đỉnh đầu chính là lúc mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của tết Trung thu.

Đây cũng chính là mâm cỗ cúng trăng và tế đất trời để cầu cho cuộc sống tốt lành, mùa màng được bội thu và sự đoàn viên trong gia đình.

4. Lý giải tục múa Lân trong tết Trung thu

Người Trung Quốc múa lân vào dịp tết Nguyên Đán còn người Việt Nam lại múa Lân vào dịp tết trung thu. Thường múa Lân sẽ được tổ chức vào tối ngày 14 và tối 15 tháng Tám âm lịch. Vào hai ngày này đường phố nhộn nhịp tưng bừng tiếng trống cùng những điệu múa Lân truyền thống. Đội múa Lân gồm có một người đội chiếc đầu lân và có ông Địa cầm quạt đứng múa và chỉ huy cả đội nhảy theo nhịp trống.

Lân tượng trưng cho sự tốt đẹp, phát tài vì vậy múa Lân vào đêm trung thu là mong muốn mang đến những điều tốt lành cho mọi người.

5. Tục cắt bánh Trung thu

Bánh trung thu là biểu tượng cho sự đoàn viên và hòa thuận của gia đình. Nó đã trở thành một thức bánh không thể thiếu của mỗi nhà mà hầu như chỉ có dịp Trung thu chúng ta mới được thưởng thức.

Bánh trung thu có hình tròn và hình vuông, nó thể hiện sự đoàn kết, hoàn chỉnh của Đất Trời. Bên ngoài, phía trên mặt bánh vẽ một vòng tròn ngay trung tâm bằng lòng đỏ trứng gà, trông như vầng trăng chiếu sáng.

Thường bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Miếng bánh càng đều thì gia đình càng ấm no, hoà thuận.

Hoà chung với không khí tưng bừng phấn khởi của cả nước vui đón Trung thu, Tổng giám đốc Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Maxhome ông Lê Duy Tuấn cũng đã dành những phần quà đặc biệt để tri ân tới các nhân viên trong công ty. Với mong muốn mọi người được đón một cái tết Trung thu trọn vẹn và ý nghĩa bên gia đình.

Một mùa Trung thu nữa lại đến, Maxhome xin gửi đến quý khách hàng thân yêu những lời chúc thân thương nhất. “Chúc cho tâm hồn mọi người mãi đẹp như ánh trăng rằm và cuộc sống lúc nào cũng ngọt ngào như những chiếc bánh Trung thu”. Kính chúc quý khách có một Trung Thu ấm áp và hạnh phúc bên người thân.

Trung thu không chỉ là “Tết thiếu nhi” rước đèn, phá cỗ, trông trăng mà nó còn có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta phải biết trân quý và gìn giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Tết Trung thu còn mang những hi vọng của con người về mong ước tình cảm và cuộc sống của họ sẽ viên mãn như ánh trăng rằm.

Xem thêm ⋙