Tất tật những điều cần biết khi cúng động thổ xây nhà

Để xây dựng được một ngôi nhà không phải là điều đơn giản. Gia chủ phải trải qua rất nhiều giai đoạn trong hành trình xây tổ ấm. Mà bước đệm đầu tiên cực kì quan trọng và cần thiết là lễ cúng động thổ công trình.

Theo văn hoá tín ngưỡng từ xa xưa, ông bà ta đã có câu “đất có thổ công, sông có hà bá”. Mỗi một vùng đất đều được bảo vệ và cai quản bởi Thổ Thần. Vậy nên, khi bắt tay tiến hành vào xây dựng một công trình mới, việc đầu tiên chúng ta phải làm là cúng động thổ để báo cáo, xin phép các vị Thổ Thần phù hộ cho việc xây dựng diễn ra tốt đẹp.

Mâm cúng động thổ công trình, nhà ở

Bạn có quan tâm đến nghi thức cúng động thổ ra sao hay phải chuẩn bị những lễ vật như thế nào không? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ tất tần tật những điều đó.

I. Nguồn gốc của lễ cúng động thổ

Lễ cúng động thổ hay còn gọi là lễ cúng thần Đất, có nguồn gốc từ Trung Hoa, ra đời từ năm 113 trước Công Nguyên dưới thời vua Vũ Hán Đế. Theo quan niệm duy tâm, trên mảnh đất chúng ta chuẩn bị xây dựng có thể là nơi cư ngụ của các vong linh đã khuất hoặc trước đây là nơi từng diễn ra các hoạt động tâm linh linh thiêng như đình, chùa…

Nghi lễ động thổ còn được hiểu đơn giản là người sở hữu mảnh đất sẽ chuẩn bị lễ, sớ để báo cáo và dâng lên xin phép Thổ địa, Thành hoàng đang cai quản khu đất đó cho phép gia chủ chủ động đất xây dựng. Và cũng mong những vong linh hoan hỷ chuyển đi một nơi khác để cho việc thi công trở nên thuận lợi.

Đây là một nét văn hoá nhân văn của người Việt, nó thể hiện sự tôn kính đối với các bậc bề trên. Và khiến cho gia chủ yên tâm hơn với hi vọng cuộc sống sẽ diễn ra suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió về sau.

II. Những lễ vật cần thiết khi bày mâm cúng động thổ

Trên thực tế, mọi người thường truyền tai nhau về cách bày mâm cúng động thổ, cách thực hiện như trên các trang web. Tuy nhiên, do phong tục tập quán khác nhau giữa các vùng miền, nên bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của những thế hệ đi trước, để từ đó chuẩn bị được một mâm cúng đầy đủ nhất.

Những món lễ vật cần thiết

Mâm lễ thường gồm:

  • Một bộ tam sên (1 miếng thịt luộc, 1 quả trứng luộc, 1 con tôm luộc).
  • Một con gà trống luộc, hoặc đĩa thịt heo quay.
  • Một đĩa xôi hoặc bánh chưng.
  • Một bát gạo, một bát muối, một bát nước.
  • 3 chén rượu trắng, bao thuốc, lạng chè, 1 bình trà và 3 ly trà.
  • Một bộ quần áo Quan Thần Linh, mũ, hia tất cả màu đỏ, kiếm trắng.
  • Một đinh vàng hoa.
  • Năm lễ vàng tiền.
  • Năm lá trầu, năm quả cau hoặc 3 miếng trầu cau (đã têm).
  • Năm cái oản đỏ.
  • Một mâm ngũ quả (gồm 5 loại quả khác nhau).
  • Chín bông hồng đỏ.
  • Nến hoặc đèn cầy.
  • Sớ cúng động thổ.

Việc chuẩn bị mâm cúng động thổ còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà. Với những nhà có điều kiện, ngoài những lễ vật cơ bản họ sẽ chuẩn bị thêm nhiều món lễ vật khác như: heo sữa quay, cua hấp, hay các loại bánh trái,.. Còn với những nhà kinh tế có hạn, họ sẽ chỉ chuẩn bị các loại lễ vật cần thiết cho buổi lễ cúng.

Tuy nhiên, cho dù ở điều kiện nào đi chăng nữa thì thành tâm vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Mâm cúng cần sắp xếp đầy đủ, gọn gàng và ngăn nắp để thể hiện lòng thành của gia chủ, ngoài ra còn tạo không khí trang trọng cho buổi lễ.

III. Cách thức tiến hành lễ cúng động thổ

Phong thủy Maxhome xem hướng tốt và ngày giờ lành cho gia chủ động thổ

1. Đối với gia chủ

  • Theo phong thuỷ tâm linh, việc đầu tiên gia chủ cần làm là chọn ngày giờ tốt để tiến hành lễ cúng. Tránh làm lễ cúng động thổ vào những ngày xấu như: hắc đạo, kiếp sát, trùng tang, trùng tu…
  • Chuẩn bị đầy đủ lễ vật. Bày những món lễ vật trên một cái mâm và đặt lên bàn để bàn ở giữa khu đất.
  • Gia chủ quần áo chỉnh tề, thắp nhang vái bốn phương, tám hướng rồi quay vào mâm lễ để khấn. Chờ cho đến khi hương sắp tàn thì gia chủ đốt hoá tiền vàng và rải muối gạo.
  • 3 ly muối – gạo – nước nên cất đi để khi nhập trạch, bạn sẽ đặt ở bếp nơi thờ ông Táo.
  • Hoa thờ cúng xong không được mang về nhà.
  • Sau khi cúng động thổ xong, gia chủ sẽ là người xúc những xẻng đất đầu tiên trên khu đất của mình, trình với Thổ thần xin phép được động thổ, rồi sau đó mới cho thợ bắt tay vào tiếp tục công việc.
  • Nếu nhà đang xây có nhiều tầng, mỗi khi đổ mái để lên tầng, đều phải sắm sửa lễ cúng.

Có một vấn đề khá quan trọng mà gia chủ phải lưu ý là những người có tuổi phạm vào năm Kim Lâu và Hoàng Ốc thì không nên làm nhà. Nếu buộc phải xây thì gia chủ khi làm nhà phải mượn người có tuổi không phạm hai điều trên để thay mình đại diện cúng động thổ.

 Khi động thổ: lúc này gia chủ phải tránh mặt khỏi nơi làm lễ xa từ 50m trở lên, người mượn tuổi thay gia chủ khấn vái và cúng động thổ như trên. Sau khi hoàn tất việc động thổ, gia chủ mới được trở về. Các kỳ đổ mái tầng 1, tầng 2… và tầng cuối cùng, người mượn tuổi vẫn tiếp tục dâng hương, khấn lễ, gia chủ vẫn phải lánh mặt lúc làm lễ.

Khi nhập trạch: người mượn tuổi làm mọi thủ tục dâng hương, khấn thành lời bàn giao nhà cho gia chủ. Gia chủ làm giấy tờ mua lại nhà với giá 100.000 đồng và khấn theo phần nhập trạch.

2. Đối với đ​ơn vị thi công

Sau khi gia chủ cúng xong thì đơn vị thi công cũng vào thắp nhang cúng khấn. Ngoài việc khấn cầu Thần hoàng, Thổ địa thì đơn vị thi công sẽ phải khấn thêm tổ nghề Lỗ Ban để cầu mong mọi việc tiến hành suôn sẻ, thuận lợi.

Đơn vị thi công Maxhome chuẩn bị mâm cúng trong lễ động thổ

Hiện nay thị trường có rất nhiều quyển sách viết về văn khấn trong các buổi lễ, trong đó có lễ động thổ xây nhà. Trong những quyển sách này có đầy đủ các bài văn khấn quen thuộc và cần thiết. Vì vậy, bạn có thể đến các hiệu sách để chọn mua, không chỉ dùng cho lễ động thổ mà còn dùng cho nhiều lễ cúng nữa.

Dưới đây là bài văn khấn động thổ xây nhà mà hầu hết người Việt ta áp dụng:

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần).

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Quan Đương niên.

Con kính lạy các Tôn phần bản xứ.

Tín chủ (chúng) con là:…

Ngụ tại:…

Hôm nay là ngày… tháng… năm… tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương, dâng lên trước án, có lời thưa rằng: Hôm nay tín chủ con khởi tạo… (nếu cất nóc thì đọc là cất nóc, nếu xây cổng thì đọc là xây cổng, nếu chuyển nhà thì đọc là chuyển nhà) ngôi đương cơ trụ trạch để làm nơi cư ngụ cho gia đình con cháu. Nay chọn được ngày lành tháng tốt, kính cáo chư vị linh thần, cúi mong soi xét và cho phép được động thổ (hoặc cất nóc). Tín chủ con lòng thành lễ vật dâng lên trước án thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên Đường Thái tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài định phúc Táo quân, các ngài Địa chúa Long Mạch Tôn thần và tất cả các vị Thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho chúng con được vạn sự tốt lành, công việc hanh thông, chủ thợ được bình an, ngày tháng hưởng phần lợi lạc, âm phù dương trợ, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm. Tín chủ lại xin phổ cáo với các vị Tiền chủ, Hậu chủ và các vị Hương linh, cô hồn y thảo phụ mộc, phảng phất quanh khu vực này, xin mời các vị tới đây thụ hưởng vật, phù trì tín chủ, cũng như chủ thợ đôi bên khiến cho an lạc, công việc chóng thành, muôn sự như ý.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần).

Trong văn hóa cúng bái, sự thành tâm rất được coi trọng. “Tâm an vạn sự an”. Bài viết trên đã giúp các bạn hiểu hơn về ý nghĩa của Lễ cúng động thổ – với mong muốn một khởi đầu tốt đẹp để cuộc sống về sau được bình an và may mắn.

Xem thêm ⋙