Các loại gỗ tự nhiên dùng trong nội thất – Ưu và nhược điểm

Đồ nội thất bằng gỗ tự nhiên luôn mang một vẻ đẹp mộc mạc mà sang trọng, không những thế chúng còn có giá trị sử dụng lâu bền. Với những ưu điểm về mẫu mã, mùi hương, hoa vân gỗ đẹp và thể hiện được đẳng cấp của gia chủ nên gỗ tự nhiên luôn là vật liệu được yêu thích trong thiết kế nội thất.

Tuy nhiên, với thị trường đa dạng các loại gỗ để làm đồ nội thất như hiện nay thì những loại gỗ quý như lim, hương, gụ,… rất dễ bị làm giả. Vì vậy mà bài viết này Maxhome muốn chia sẻ cho bạn một số kinh nghiệm phân biệt gỗ tự nhiên cũng như những ưu nhược điểm của từng loại gỗ để từ đó giúp bạn có thêm kiến thức khi lựa chọn đồ gỗ cho gia đình mình nhé!

I. Tổng quan về gỗ tự nhiên

1. Gỗ tự nhiên là gì?

Gỗ tự nhiên là những loại gỗ khá được ưa chuộng trong sản xuất đồ nội thất. Đây là loại gỗ được lấy trực tiếp từ rừng lấy gỗ, từ cây lấy nhựa hay cây lấy tinh dầu,… Trong công đoạn thi công đồ nội thất, những loại gỗ tự nhiên này thường được dùng để tạo ra sản phẩm luôn mà không cần phải trải qua bất kỳ công đoạn xử lý gỗ nào khác. Chính vì vậy mà giá các loại gỗ tự nhiên trong nội thất thường cao hơn rất nhiều so với gỗ công nghiệp.

2. Ưu điểm của gỗ tự nhiên

Gỗ tự nhiên có đặc tính cứng cáp và có thể chế tác được theo nhiều kiểu dáng khác nhau như là các kiểu đục hay chạm trổ. Hơn nữa với sự dẻo dai và liên kết chắc chắn của các phân tử tạo thành nên gỗ tự nhiên có khả năng chịu được sự va đập và dễ dàng uốn nắn tạo hình.

3. Nhược điểm của gỗ tự nhiên

Hầu hết các loại gỗ tự nhiên đều có nhược điểm là co giãn, cong vênh do thay đổi nhiệt độ, độ ẩm từ môi trường bên ngoài.  Đó là lý do khiến các sản phẩm nội thất làm bằng gỗ sau một thời gian ngắn sử dụng có hiện tượng cong vênh, co ngót, nứt nẻ… Để khắc phục điểm hạn chế này, gỗ cần phải được tẩm sấy trước khi đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần lựa chọn không gian sử dụng phù hợp với tính chất của gỗ.

II. Đặc điểm các loại gỗ tự nhiên được dùng trong thiết kế nội thất

1. Gỗ Xoan Đào

Xoan đào là cây xoan rừng, mọc hoang, gỗ lớn, màu hồng sẫm mới xẻ. Gỗ xoan đào có đặc điểm cứng, chắc, thớ gỗ mịn, vân đẹp có màu hồng đào. Bên cạnh đó, gỗ có khả năng chịu nhiệt, chịu nén, chịu nước, chịu lực tốt. Chống được mối mọt và ít bị cong vênh, nứt nẻ. Chính vì vậy gỗ xoan đào khá được ưa chuộng trên thị trường nội thất hiện nay.

Ưu điểm:

  • Độ bền và độ ổn định của gỗ xoan đào là khá cao.
  • Chịu nhiệt, chịu lực của gỗ khá tốt. Bên cạnh đó, nội thất làm bằng gỗ xoan đào cũng hạn chế bị nứt nẻ, cong vênh.
  • Gỗ có màu đỏ nhạt tự nhiên.
  •  Giá cả phải chăng, phù hợp với kinh tế của nhiều gia đình

Nhược điểm:

  • Không thể sơn những màu sắc sáng vì gỗ xoan đào tự nhiên đã có màu đỏ.
  • Trước khi chế tác gỗ cần phải tẩm sấy kĩ tránh tình trạng cong vênh của đồ nội thất.

2. Gỗ Gụ

Đây là một loại gỗ quý, bền, dễ đánh bóng, không bị mối mọt và ít cong vênh. Gỗ Gụ sở hữu những thớ gỗ thẳng, vân đẹp, mịn, màu vàng trắng mà khi để lâu chúng sẽ chuyển thành màu nâu sẫm và càng lâu màu sẽ càng sẫm hơn. Một đặc điểm khác của gỗ nữa đó là gỗ có mùi chua nhưng không hăng.

Gỗ Gụ hiện nay được lựa chọn nhiều để làm ban thờ, bàn ghế, giường tủ hoặc sập….

3. Gỗ sồi Mỹ

Với ưu điểm cứng cáp và màu sắc đẹp, đồ nội thất làm từ gỗ sồi cũng được khá nhiều gia đình lựa chọn. Đây là loại cây được trồng nhiều chủ yếu ở Châu Âu, Châu Mỹ, mỗi vùng miền sẽ cho ra những loại gỗ có đường vân cũng như chất lượng khác nhau. Chính vì vậy, bạn nên tìm đến những địa chỉ cung cấp gỗ uy tín, có nguồn gốc nếu như muốn lựa chọn gỗ sồi là vật liệu cho nội thất nhà mình.

Ưu điểm:

  • Kết cấu gỗ cứng, chắc với đặc tính nhẹ và chịu lực tốt.
  •  Thân gỗ dễ dàng uốn cong bằng hơi nước, độ bám đinh, ốc vít của gỗ thuộc vào loại tốt.
  • Có thể sơn phủ màu gỗ sồi mỹ theo màu sáng, tối tùy thích.
  • Phù hợp điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.

Nhược điểm:

  • Vì kết cấu gỗ chắc nên sẽ mất nhiều thời gian trong việc tẩm, sấy gỗ.
  • Cần phải tìm hiểu nhà cung cấp uy tín để chọn được gỗ sồi có chất lượng tốt nhất.

4. Gỗ sồi Nga

Với đặc trưng là màu sắc sáng, đường vân gỗ đẹp. Gỗ sồi Nga là loại gỗ được nhập khẩu từ nước ngoài để chế tác đồ gỗ nội thất nhiều nhất hiện nay.

Ưu điểm

  • Với màu sắc sáng tự nhiên, gỗ sồi nga có thể dễ dàng sơn màu.
  • Đường vân gỗ dạng vân núi cực đều và đẹp.
  •  Dễ dàng khi thi công bằng hơi nước.
  • Mức giá phải chăng, phù hợp với mức chi tiêu của nhiều gia đình.
  • Có thể dễ dàng vẽ thêm hoa văn.
Gỗ sồi Nga có hai loại sồi trắng và sồi đỏ

Nhược điểm

  • Gỗ sồi nga lâu khô, có xu hướng cong vênh trong môi trường khí hậu thay đổi nhanh và thất thường nên công đoạn xử lý cần phải tương đối kỹ càng.
  • Độ nở của gỗ trên mức trung bình nếu ở trong môi trường có độ ẩm cao hoặc ngâm nước.

5. Gỗ Sưa

Gỗ Sưa hay còn gọi là trắc thối, huê mộc vàng, huỳnh (hoàng) đàn, chúng được chia làm ba loại: Sưa trắng, Sưa đỏ và Sưa đen. Trong đó, Sưa trắng có giá trị thấp nhất, sau đó đến sưa đỏ và cuối cùng là sưa đen có giá trị cao nhất, hiếm nhất và được người đời đặt cho cái tên “tuyệt gỗ”.

Gỗ Sưa có màu đỏ (màu đỏ giống màu đỏ bã trầu) hay màu vàng và có vân rất đẹp. Ngoài ra chúng vừa cứng lại vừa dẻo, chịu được mưa nắng, có mùi thơm mát thoảng hương trầm, khi đốt tàn có màu trắng đục. Nếu gỗ để lâu phủ bụi có thể xuống màu song nếu dùng dao hoặc giấy ráp đánh nhẹ có thể thấy màu lại sáng đỏ.

Khác với những loại gỗ tự nhiên khác chỉ có vân ở 2 mặt thì gỗ Sưa có vân gỗ trên cả 4 mặt. Vân gỗ nổi lên từng lớp từng lớp rất đẹp, thớ gỗ mịn, nhỏ, màu hồng hoặc đỏ sẫm, thi thoảng sẽ có thớ gỗ màu đen.

6. Gỗ Lim

Là loại gỗ tự nhiên quý hiếm, gỗ lim có đặc điểm rất cứng, chắn và nặng. Màu sắc của gỗ từ màu hơi nâu đến màu nâu thẫm, gỗ có khả năng chịu lực rất tốt.

Trên thị trường có 2 loại gỗ Lim phổ biến là Lim Lào và Lim Nam Phi. Lim Lào vân khá đẹp, thớ gỗ ít khuyết tật. Lim Nam Phi màu tái hơn Lim Lào. Nhìn chung Lim Lào và Lim Nam Phi đều cứng, chắc, độ ổn định tốt. Thường sử dụng cho làm cửa, làm cầu thang.

Hiện nay, do Lào kiểm soát nghiêm ngặt việc khai thác rừng nên các loại gỗ nói chung xuất xứ từ Lào hay Lim Lào nói riêng đều rất khan hiếm và giá thành cao. Trên thị trường phổ biến gỗ Lim Nam Phi hơn, được nhập khẩu chủ yếu từ Congo, Nigieria…

Ưu điểm

– Vân gỗ dạng xoắn khá đẹp.

– Gỗ lim không bị cong vênh, nứt nẻ, biến dạng do thời tiết.

Nhược điểm:

Trong quá trình tiếp xúc khi chế biến gỗ người thợ sản xuất hay thi công thường hay bị dị ứng hắt hơi hoặc mẩn ngứa.

7. Gỗ óc chó

Nằm trong top những loại gỗ thượng hạng. Gỗ óc chó có vân mềm mại, tự nhiên, thường thường có hình dạng sóng hoặc cuộn xoáy nên tạo ra những hình đốm rất đặc biệt, đẹp mắt và vô cùng sang trọng. Loại cây gỗ này thường sinh trưởng và phát triển ở nhiều nước Châu Âu. Với giá thành khá cao, nên không phải gia chủ nào cũng có điều kiện sử dụng loại gỗ này làm nội thất.

Ưu điểm

  • Không gặp phải hiện tượng nứt nẻ, cong vênh, co ngót, mối do được chế biến trước bằng công nghệ của các nước Châu Âu.
  •  Khả năng chịu nhiệt tác động, chịu lực tốt, dễ bị uốn cong bởi hơi nước.
  • Màu sắc đến đường vân gỗ đẹp

Nhược điểm

Giá thành cao. Gỗ óc chó đã xẻ sấy được nhập khẩu về Việt Nam đã có mức giá 80 triệu đến 100 triệu / 1 m3.

8. Gỗ Mun

Gỗ mun là loại gỗ tự nhiên thường được dùng để tạc tượng, điêu khắc tranh hoặc đóng bàn ghế. Đây là loại gỗ cao cấp được khai thác từ cây mun. Những đồ nội thất được chế tác từ gỗ mun khá được ưa chuộng tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Gỗ mun có đặc điểm nổi bật là khi ướt thì mềm dễ dàng gia công, còn khi khô thì lại rất cứng. Gỗ có độ bền, ít cong vênh, không mối mọt, không nứt chân chim. Loại gỗ này thường rất nặng, có màu đen tuyền hoặc màu sọc đen trắng, thớ gỗ rất mịn và khi dùng lâu sẽ bị bong như sừng.

9. Gỗ Hương

Đây cũng là một loại gỗ thuộc những dòng gỗ quý, có mùi thơm đặc trưng trong quá trình sử dụng. Gỗ hương có màu nâu hồng, vân đẹp và thớ gỗ nhỏ, càng sử dụng thì chất gỗ càng đẹp. Bản chất của gỗ Hương là rất cứng, rắn và chắc.

Để nhận biết gỗ bạn chỉ cần cầm thanh gỗ của nó ta sẽ thấy thanh gỗ rất khô, cứng cáp chắc và nặng, khi ngửi có mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu. Một cách nữa thường dùng để nhận biết gỗ Hương là ngâm vào nước, vì khi ngâm gỗ Hương vào nước thì nước ngâm sẽ chuyển dần từ màu trắng sang màu xanh nước chè.

Gỗ Hương có nhiều tên gọi khác nhau dựa vào tính chất của vùng miền như: hương đá, hương nghệ , hương vàng , hương xoan , hương vườn,…

10. Gỗ Tần bì

Tần Bì là loại gỗ phổ biến nhất hiện nay, được sử nhiều trong nội thất, cho cả đồ gỗ bình dân và cao cấp.

Gỗ có giác gỗ màu từ nhạt đến gần như trắng, tâm gỗ có màu sắc đa dạng, từ nâu xám đến nâu nhạt hoặc vàng nhạt sọc nâu. Nhìn chung vân gỗ thẳng, to, mặt gỗ thô đều. Ngoài ra gỗ Tần bì cũng sở hữu đặc điểm nổi bật của dòng gỗ tự nhiên đó là khả năng chịu lực, chịu nhiệt tốt và dễ uốn cong.

Bài viết trên Maxhome đã tổng hợp và chia sẻ những thông tin chi tiết về đặc điểm của các loại gỗ tự nhiên được sử dụng phổ biến trong thiết kế nội thất. Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào hãy liên hệ đến Maxhome và để chúng tôi giúp bạn sở hữu một không gian ấm cúng và sang trọng nhé!

Xem thêm ⋙